Dùng bông hoa giấy, hình mặt cười, cộp dấu cô khen... là những cách giáo viên sáng tạo để thay cho việc chấm điểm học sinh tiểu học.
Sau một tuần triển khai thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học, giáo viên đã sáng tạo ra nhiều cách thay cho điểm số. Cô Liên, giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ở Tây Hồ (Hà Nội) kết hợp nhiều hình thức, như: nhận xét, tặng hoa giấy và đóng dấu "cô khen" khi học sinh làm bài tốt. Nhiều đồng nghiệp của cô đã sử dụng con dấu từ trước khi có thông tư 30, mục đích là khen ngợi, động viên học sinh nhiều hơn bên cạnh việc chấm điểm cao.
Để "giảm tải" cho việc ghi lời nhận xét, cô Liên chia 56 em trong lớp làm 4 tổ và ghi lời phê luân phiên, mỗi ngày 2 tổ. Những học sinh chữa bài tập trên bảng hoặc kiểm tra miệng sẽ được nhận xét trực tiếp trên lớp mà không phê vào vở. Theo cô, không nhất thiết ngày nào cũng phải có lời nhận xét bởi sự tiến bộ là cả một quá trình. Hơn nữa, nhà trường còn có sổ liên lạc điện tử giúp bố mẹ biết rõ tình hình học của con.
Ngoài những cách trên, giáo viên nhiều trường ở nội thành Hà Nội sử dụng con dấu in bông hoa với màu sắc khác nhau để đóng vào vở học trò. Ví dụ hoa màu đỏ tương đương điểm 9-10, hoa màu xanh điểm 7-8. Có cô giáo dùng con dấu in lời phê sẵn, như: "Hoàn thành tốt" (tương đương 10 điểm), "Hoàn thành" (6-9 điểm), "Con cần cố gắng" (dưới 5 điểm)... Một số cô lồng ảnh học sinh vào bông hoa giấy rồi dán lên bảng theo từng nhóm để khuyến khích các con học tập.
"Việc đóng dấu hoặc tặng hoa để khen nhằm tác động vào tâm lý thích được động viên, khen thưởng của trẻ. Học sinh lớp một chưa nhận thức nhiều về điểm số nên rất thích những hình thù ngộ nghĩnh như mặt cười, bông hoa. Nếu các em làm chưa tốt, lời phê của cô cũng sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn so với khi phải nhận điểm xấu khi làm bài không tốt", cô Tú chia sẻ.
Giáo viên sử dụng lời phê có khắc sẵn, đóng dấu vào vở học sinh.
|
Bên cạnh những giáo viên có nhiều sáng kiến trong việc đánh giá học sinh, đa phần thầy cô, nhất là ở nông thôn chỉ ghi lời nhận xét vào vở. Nhiều giáo viên cho rằng, việc này có những bất cập. Học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết, cô ghi nhận xét nhưng các em không hiểu được cô viết gì mà nó chỉ có tác dụng với phụ huynh. Đôi khi, dựa vào những lời nhận xét ấy, phụ huynh lại khó hình dung con mình cần cố gắng thêm điều gì.
Nhận xét về việc cô giáo cho lời phê thay chấm điểm, hiệu trưởng một trường Tiểu học ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, phụ huynh ở đây chủ yếu làm ruộng, ít có thời gian đọc nhận xét của cô. Với họ, điểm như là lời thông báo quá trình học của con đang có tiến bộ hay có vấn đề. Nếu thầy cô giáo không cho điểm thì phụ huynh không thể biết con mình giỏi, yếu môn nào.
Bà kể, giáo viên năng khiếu khi phải viết nhận xét thì rất khổ. Trường hiện chỉ có một giáo viên Mỹ thuật. Cô này đang phải dạy thêm giờ cho cả một giáo viên khác vừa nghỉ sinh em bé nên bây giờ phải phụ trách hàng nghìn học sinh. Một tiết học chỉ kéo dài 35 phút, với số học sinh nhiều như thế, đến cả tháng trời cô giáo cũng không thể nhớ mặt, nhớ tên hết nên khó đánh giá được từng em.
Giáo viên thể dục cũng bị khó khăn khi đánh giá bằng ghi nhận xét. Giờ thể dục, các thầy cô phải dùng chân tay để hướng dẫn các em, đâu có thể chỉ ngồi mà quan sát và nhận xét học sinh này làm tốt, học sinh khác chưa tốt được. Xong tiết ở lớp này, giáo viên đã phải đi dạy lớp khác. Giờ nghỉ giữa hai tiết không đủ để nhận xét cho 50-60 học sinh. "Ở nước ngoài người ta viết đánh giá khi lớp học chỉ có ít học sinh. Việt Nam có nhiều em trong một lớp nên giáo viên bị quá tải", hiệu trưởng này than.
Thầy Hòa, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hơn 20 năm tại Bá Thước (Thanh Hóa) cho rằng việc nhận xét bằng lời hoặc thưởng bằng hình bông hoa, hình củ cà rốt thích hợp với học sinh lớp 1 vì các em chưa nhận thức được điểm số. Còn với học sinh lớn hơn như lớp 4, 5 sẽ cảm thấy hụt hẫng khi bỏ chấm điểm, bởi điểm số giống như việc công nhận sự nỗ lực của các em. Vậy nên, trước đây thay vì cho điểm 10 và phê đơn giản thì giờ đây, thầy Hòa phải nghĩ ra nhiều cách để động viên học sinh hơn.
Thầy cũng cho rằng quản lý nhiều học sinh thì giáo viên không thể quan tâm toàn bộ được. Nếu những lời nhận xét cứ đều đều thì sẽ dễ dẫn đến sự đối phó, nhận xét cho có lệ của giáo viên. Nếu thầy cô có nhiều tiết dạy trong một tuần, lớp đông học sinh thì phải có nhiều sổ theo dõi chất lượng giáo dục, điều này thực sự khiến giáo viên đau đầu.
Khẳng định việc không chấm điểm như hiện nay sẽ giúp khuyến khích học sinh yếu kém bỏ qua tâm lý mặc cảm tự ti, nhưng một giáo viên chủ nhiệm lớp một ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, việc phê vào bài vở hay bài kiểm tra của học sinh mất rất nhiều thời gian. Nếu trước đây, giáo viên chỉ đánh dấu đúng, sai rồi ước lượng để cho điểm thì bây giờ phải chỉ rõ từng bài, từng phần học sinh làm chưa đúng. Thông tư yêu cầu phải tránh những từ dễ gây tự ti cho học sinh, như “em chưa làm bài tốt”, “em làm bài yếu”… khiến không ít thầy cô vò đầu bứt tai nghĩ ra lời phê phù hợp và không trùng lặp.
Giáo viên tên An dạy tại một trường tiểu học ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tâm sự, sau khi bỏ chấm điểm, nhiều học sinh thắc mắc, khiến các cô chỉ biết giải thích đại khái: “Bộ quy định từ nay sẽ không chấm điểm cho các em nữa”. Tuy nhiên, nhiều em chưa chịu bỏ cuộc. Sau nhiều lần được cô phê “em làm bài rất tốt”, có học sinh đưa vở lên hỏi lại cô “Rất tốt là được mấy điểm” khiến các cô lại phải ước chừng và cho “điểm miệng”.
Cũng theo giáo viên này, do việc phê trực tiếp mất nhiều thời gian nên mỗi buổi học cô phải chia theo tổ để có thể nhận xét cụ thể từng bài, khiến nhiều em chưa đến lượt được nhận xét tỏ ra không hài lòng. “Viết nhận xét thì giáo viên sẽ gần gũi hơn với học sinh, giúp các em sáng tạo. Nhưng mặt trái là nhiều em không thấy điểm số dễ nảy sinh tâm lý không cầu tiến, chểnh mảng học hành. Vì nếu hôm nay các em được nhận xét là “làm bài rất tốt”, hôm sau là “làm bài tốt” thì sẽ không có đích để phấn đấu, chưa kể đến việc nhiều em học vì sức ép của cha mẹ sẽ dựa vào đó mà không thực sự cố gắng”, cô An nói thêm.
Nhận xét về thông tư 30, phát biểu tại buổi họp tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (TP HCM) nói: "Giáo viên hiện nay rất vất vả. Nếu giáo viên môn họa, môn thể dục mà dạy 10 lớp thì phải có sổ điểm và sổ nhật ký cho 10 lớp đó. Mỗi lớp có trên 50 học sinh. Theo quy định của Bộ là 35 học sinh trên mỗi cuốn, vậy bình quân mỗi lớp có hai cuốn mỗi loại, suy ra mỗi giáo viên trên phải mang 40 cuốn, chưa kể học bạ, sổ liên lạc... đủ loại. Cô giáo ghi nhận xét thì cứ ghi, thậm chí cô giáo mà buồn quá thì ghi nhận xét cho học sinh giống nhau hết. Chưa học hết kỳ 1 là biết kết quả kỳ 2. Thông tư 30 cho rằng làm như vậy để học sinh chủ động, thầy cô giáo không gây áp lực cho học trò. Xin thưa rằng, làm như thế này càng áp lực cho học trò, phụ huynh".
|
H.Phương - Q.Trang - N.Đôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét