Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU TỦ SÁCH MỚI VĂN HỌC THIẾU NHI

Mèo khóc chuột cười


 MÈO KHÓC CHUỘT CƯỜI

Tác giảCao Xuân Sơn
Ngôn ngữTiếng Việt
Lĩnh vựcVăn học Thiếu nhi
Năm xuất bản2006
Đơn vị xuất bảnNxb Giáo dục












Một hồn thơ nhiều nam tính, gợi nhớ một chú bé hiếu động
Hình như nhà thơ Việt Nam nào cũng có ít ra là một lần múa bút, ghép... vần cho các em? Nhưng, dành cả đời theo đuổi “thể loại bé” này thì chẳng có mấy người, quanh đi quẩn lại chỉ có dăm cây bút hay được điểm danh : Võ Quảng (Măng tre), Phạm Hổ (Chú bò tìm bạn), Trần Thanh Địch (Đôi tai mèo), Định Hải (Bài ca trái đất)... Lớp sau có vẻ đông đúc hơn, tuy không “chuyên” được như những tên tuổi trên nhưng cũng không phải dạng đá gà đá vịt, dễ làm khó bỏ. Tác phẩm của họ, về số lượng đã đáng kể, về chất lượng cũng không đến nỗi lép vế nếu được so đọ một cách sòng phẳng. Đó là Đặng Hấn (Cầu chữ Y), Trần Quốc Toàn (Viết đơn lên cát trắng), Dương Thuấn (Cưỡi ngựa đi săn)... Cao Xuân Sơn cũng nằm trong danh sách khá dài này.


Tập thơ mới Mèo khóc chuột cười của anh tuy chỉ gồm hơn hai chục bài nhưng cái chất “chuyên” rất rõ. “Chuyên” trước hết là ở tâm thế: trong Cao Xuân Sơn luôn thường trực một người làm thơ cho trẻ em, một chú bé hiếu động trong bộ dạng một người đàn ông mạnh mẽ, từng trải, ăn to nói lớn. Nhờ có tâm thế thường trực ấy mà Cao Xuân Sơn dễ dàng tìm ra đề tài cho các bài thơ của mình, dẫu cái không gian sống của anh, như hầu hết thị dân hiện nay, không lấy gì làm khoáng đạt cho lắm. Anh có thơ về... cái điện thoại, về chiếc ti vi tưởng đã quen đến nhàm! Thơ “theo” anh từ nhà (Như có ai đi vắng, Mẹ sinh em bé, Nhất mẹ nhì bà, Nhím và Nghé...), ra... quán (Thằng nhóc phố tôi), vào công viên (Mèo đi chơi Thảo Cầm Viên, Miu và Cún, Mùa xuân đi thuyền thiên nga...), thăm nghĩa trang, lên Đà Lạt, ra Phú Quốc... Ai làm thơ lâu lâu cũng đều trải qua cảm giác này: đôi khi thấy viết sao mà trơn tru, dễ dàng đến... phát sợ, ngập ngừng tự hỏi phải chăng mình tự dễ dãi với mình ? Đến lúc bí rì rì, vài ba tháng, có khi cả năm, không viết nổi chữ nào, bấy giờ mới thấy tiếc những giây phút... trời cho kia! Tôi đoán rằng hầu hết những bài đạt nhất trong Mèo khóc chuột cười được Cao Xuân Sơn viết liên tục, trong trạng thái hưng phấn nhất, cái trạng thái đúng là trời cho nhưng người làm thơ phải ý thức được và bắt lấy nó, không để trôi đi mất. Cái tâm thế (hay cảm hứng) thường trực, nỗi lòng “canh cánh” với thơ là phẩm chất đầu tiên của “tính chuyên nghiệp”. Sau đó mới nói đến cấu tứ, vần điệu, câu chữ. Về mặt này, Cao Xuân Sơn là một người viết vững tay nghề. Ấn tượng trội nhất của Mèo khóc chuột cười là sự hóm hỉnh, tinh nghịch. Nói hồn thơ Cao Xuân Sơn nhiều nam tính, gợi nhớ một chú bé hiếu động là vì thế.
Hai câu này trong Mẹ sinh em bé vừa tinh vừa hóm, bắt thóp được “cu cậu” :
Ngang qua nôi bé, tò mò
“Anh Hai” trộm ngắm rồi vờ như không !
Bài Thơ vui Tết con khỉ vừa... khỉ, vừa vui :
... Ai áo quần như giẻ
Thêm tóc tai lôi thôi
Cả tháng không nhớ tắm
Có ngày rồi mọc... đuôi
Ai chơi ác, xấu chơi
Thích “giấu tay ném đá”
Hay “thọc gậy bánh xe”
May lắm thành... khỉ gió
… Những “vua quậy” trẻ con
Càng nghĩ càng thấy hãi:
“Đệ tử” Tôn Ngộ Không
Sao chỉ toàn “phép”... gãi???
Cái vui, cái tếu táo trong thơ Cao Xuân Sơn có hàm ý giáo dục nhẹ nhàng, không thuần tuý chỉ là “thọc lét” hay một kiểu “khoe” trí tuệ. (Tất nhiên, cũng có lúc anh đùa nhạt, chẳng hạn khi anh phàn nàn cho Những chú ve nghệ sĩ: “Có lẽ chưa ai được... đăng báo bao giờ !”). Bởi thế, thật là dễ chịu khi anh bỗng quên mình đang “làm thơ cho các em” mà chỉ đuổi theo cảm xúc:
Những chú ve vô danh, vô tư
Dàn nhạc vô hình giữa chập chùng sắc lá
Phố xá bỗng nhìn nhau thân thiết quá
Bữa tiệc thanh âm ai cũng có phần mình
                              (Những chú ve nghệ sĩ)
Những câu dưới đây là cho người lớn hay cho trẻ em, thôi khỏi “thắc mắc”, chỉ cần biết nó rất thơ là đủ :
Khiêm nhường vậy, hoa ơi
Bao lần em bối rối
Màu hoa ấy không tên
Mùi hương kia không tuổi
                    (Hoa dại)
Giữa cái vui thừa thãi, ồn ào, một thoáng bùi ngùi có hiệu quả như nốt lặng trong bản nhạc:
– Về thôi, chân bà sắp mỏi
Cháu nghe, đoán liền vì đâu
(Thương bà xót tiền, nhịn khát
Biết vậy, mang bình nước theo!)
                  (Dắt bà đi chơi Tết)
Ở ta, người viết cho thiếu nhi nói chung là thiệt thòi, ngay diễn đàn để công bố tác phẩm cũng khó kiếm. Phải chăng vì thế nên có nhiều người “giữa đường đứt gánh” với trẻ em, không chịu theo nghiệp viết, nhất là nghiệp thơ cho đến đầu đến đũa?
Trong bối cảnh ấy, càng thấy quý một tấm lòng, một bút lực như Cao Xuân Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét